CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÕ THUẬT BẢO LONG - ACADEMY
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

logo_bao_long_sua11
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÕ THUẬT BẢO LONG - TRƯỜNG PHỔ THÔNG LIÊN CẤP BẢO LONG
---o0o---
"Hãy để tri thức tạo nên sự khác biệt"

Đánh giá kết quả hoạt động đọc hiểu văn bản Ngữ văn (Kì 1)

1. Một số vấn đề về đánh giá kết quả giáo dục trong môn Ngữ văn

Theo Chương trình giáo dục phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), đánh giá kết quả giáo dục trong môn Ngữ văn nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và những tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình học tập môn học, để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Căn cứ đánh giá kết quả giáo dục trong môn Ngữ văn là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học đã quy định trong chương trình.

Về đánh giá phẩm chất chủ yếu và năng lực chung trong môn Ngữ văn, có thể thông qua các hành vi, việc làm, cách ứng xử, những biểu hiện về thái độ, tình cảm của học sinh khi đọc, viết, nói và nghe; thực hiện chủ yếu bằng định tính, thông qua quan sát, ghi chép, nhận xét,... Như vậy, việc đánh giá mang tính chất linh hoạt và đồng bộ, nhằm phát huy tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của học sinh.

Đánh giá kết quả giáo dục trong môn Ngữ văn thực hiện bằng hai cách: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.

Nội dung đánh giá kết quả giáo dục trong môn Ngữ văn gồm đánh giá phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù và sự tiến bộ của học sinh thông qua các hoạt động đọc, viết, nói, nghe.

Chương trình giáo dục phổ thông qui định về đánh giá hoạt động đọc: "Tập trung vào yêu cầu học sinh hiểu nội dung, chủ đề của văn bản, quan điểm và ý định của người viết; xác định các đặc điểm thuộc về phương thức thể hiện, nhất là về mặt kiểu văn bản, thể loại và ngôn ngữ sử dụng; trả lời các câu hỏi theo những cấp độ tư duy khác nhau; lập luận, giải thích cho cách hiểu của mình; nhận xét, đánh giá về giá trị và sự tác động của văn bản đối với bản thân; thể hiện cảm xúc đối với những vấn đề được đặt ra trong văn bản; liên hệ, so sánh giữa các văn bản và giữa văn bản với đời sống". Theo đó, bài viết đề cập việc đánh giá các yêu cầu về đọc hiểu văn bản trong môn Ngữ văn ở các lớp cuối cấp học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông và phân tích yêu cầu đọc hiểu văn bản trong Kì thi Trung học phổ thông Quốc gia.

2. Các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu đối với học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12

Hoạt động đọc hiểu văn bản trong môn Ngữ văn được tổ chức trong quá trình dạy học từ lớp 1 đến lớp 12. Đối với cấp Tiểu học, hoạt động đọc hiểu thực hiện trong môn Tiếng Việt với 2 loại văn bản (văn bản văn học và văn bản thông tin). Ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, hoạt động đọc hiểu trong môn Ngữ văn thực hiện với 3 loại văn bản (văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin).

Cả ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, hoạt động đọc hiểu đều triển khai theo 4 mạch yêu cầu cần đạt: đọc hiểu nội dung; đọc hiểu hình thức; liên hệ, so sánh, kết nối và đọc mở rộng.

Để thuận lợi cho việc nhận diện, phân tích và so sánh, chúng tôi trình bày vấn đề theo từng yêu cầu cần đạt của hoạt động đọc hiểu đối với học sinh từng lớp.

2.1. Đọc hiểu nội dung

Đối với văn bản văn học:

- Học sinh lớp 5: nhận biết được một số chi tiết tiêu biểu và nội dung chính của văn bản; hiểu được nội dung hàm ẩn dễ nhận biết của văn bản; chỉ ra được mối liên hệ giữa các chi tiết; biết tóm tắt văn bản và hiểu chủ đề của văn bản.

- Học sinh lớp 9: nêu được nội dung bao quát của văn bản; bước đầu biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận biết và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của nhà văn thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề và tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết.

- Học sinh lớp 12: phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; đánh giá được vai trò của những chi tiết quan trọng trong nội dung văn bản; phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của nhà văn thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân tích sự phù hợp giữa chủ đề, tư tưởng và cảm hứng chủ đạo, đánh giá được giá trị nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ của tác phẩm; phát hiện được các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh từ văn bản.

Đối với văn bản thông tin:

- Học sinh lớp 5: nhận biết được những chi tiết tiêu biểu, đề tài và các thông tin chính của văn bản; nhận biết được mối liên hệ giữa các chi tiết; biết tóm tắt văn bản.

- Học sinh lớp 9: phân tích được thông tin cơ bản, giải thích được ý nghĩa của nhan đề và đánh giá được vai trò của các chi tiết quan trọng trong văn bản.

- Học sinh lớp 12: biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết, dữ liệu và vai trò của chúng; phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả; đánh giá được thái độ và quan điểm của người viết.

Đối với văn bản nghị luận:

- Học sinh lớp 9: nhận biết và phân tích được luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản; phân tích được mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện luận đề; biết nhận xét, đánh giá tính chất đúng và sai của vấn đề đặt ra trong văn bản.

- Học sinh lớp 12: nhận biết, phân tích được nội dung của luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu, độc đáo trong văn bản và chỉ ra mối liên hệ của chúng; đánh giá được mức độ phù hợp giữa nội dung nghị luận với nhan đề của văn bản; biết tiếp nhận, đánh giá nội dung với tư duy phê phán;...

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI 

Công ty Cổ phần đào tạo chuyên sâu và phát triển kỹ năng Hà Nội

TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÕ THUẬT BẢO LONG - TRƯỜNG PHỔ THÔNG LIÊN CẤP BẢO LONG

Địa chỉ: Số 447 đường đê Thiên Đức, xã Thiên Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội

MST: 0108128132

Hotline: 0796.128.788

Website: Liencapvtbaolong.edu.vn

Mail: kynanghn1501@gmail.com

Thống kê truy cập
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 109
Trong tuần: 579
Lượt truy cập: 90683
Website is designed at tnweb.vn