Đào tạo theo học chế tín chỉ là phương thức đào tạo tiên tiến trên thế giới. Chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ là bước chuyển tất yếu khách quan của hệ thống giáo dục đào tạo đại học của nước ta theo xu thế hội nhập khu vực và thế giới. Ngày 15 tháng 8 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT về việc ban hành “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”. Bản chất của phương pháp đào tạo này là phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong đó tự học là hình thức đặc biệt quan trọng của sinh viên đang học tập trong các trường đại học.
Nhiệm vụ dạy ở đại học là bồi dưỡng hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo gắn với nghề nghiệp tương lai của sinh viên, làm phát triển ở họ năng lực và phẩm chất trí tuệ, đặc biệt là tư duy nghề nghiệp, trên cơ sở đó hình thành cho sinh viên thế giới quan khoa học, lý tưởng, tác phong của người cán bộ khoa học, kỹ thuật tương lai. Để làm được điều đó trong quá trình dạy, người thầy phải bồi dưỡng cho sinh viên phương pháp luận khoa học, phương pháp nghiên cứu, đồng thời bồi dưỡng cho sinh viên kỹ năng tự học, tự nghiên cứu.
1.Tự học và đặc điểm của tự học trong phương thức đào tạo tín chỉ Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tự học, quan niệm về tự học.
Người cho rằng: “Tự học là cách học tự động” và “phải biết cách tự động học”. Theo Người: “tự động học tập” là học tập một cách tự giác, tự chủ, không cần ai nhắc nhở, không cần ai giao nhiệm vụ mà tự vạch ra kế hoạch học tập cho bản thân, rồi triển khai, thực hiện kế hoạch đó một cách tự giác, làm chủ thời gian học và tự kiểm tra, đánh giá việc học của mình.
Giáo sư Thái Duy Tuyên trong: Chuyên đề dạy tự học cho sinh viên trong các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học khẳng định: “Tự học là một hoạt động độc lập chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, là tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ cùng các phẩm chất tâm lý để chiếm lĩnh tri thức một lĩnh vực hiểu biết nào đó hay những kinh nghiệm lịch sử xã hội của nhân loại, biến nó thành sở hữu của chính bản thân người học”(1) . Tự học là quá trình cá nhân tự giác, tự lực, tích cực lĩnh hội những vấn đề thực tiễn đặt ra bằng hành động của chính mình để đạt được những mục đích nhất định.
Trong nhà trường bản chất của sự học là tự học, cốt lõi của dạy học là dạy việc học, kết quả của người học là tỷ lệ thuận với năng lực tự học của người học. Ngoài việc nâng cao kết quả học tập, tự học còn tạo điều kiện hình thành và rèn luyện khả năng hoạt động độc lập, sáng tạo của mỗi người, trên cơ sở đó tạo điều kiện và cơ hội học tập suốt đời. Tuy nhiên, trong các phương thức đào tạo khác nhau, hoạt động này có nét đặc thù riêng. Sự khác biệt giữa hoạt động tự học trong niên chế so với học tín chỉ được thể hiện như sau:
Thứ nhất, trong phương thức đào tạo theo niên chế, sinh viên tuân thủ theo chương trình do nhà trường định sẵn của từng học kỳ, từng năm học, từng khóa học căn cứ vào thời khóa biểu. Trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, kế hoạch học tập cụ thể phụ thuộc vào chính bản thân sinh viên. Sinh viên có nhiệm vụ và quyền được lựa chọn môn học, thời gian học, tiến trình học tập nhanh, chậm phù hợp với điều kiện của mình. Phương thức này tạo cho sinh viên năng lực chủ động trong việc lập kế hoạch học tập, xác định thời gian, phương tiện, biện pháp thực hiện mục tiêu học tập đã đề ra trong kế hoạch học tập đó. Khi đó sinh viên phải ý thức xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu để quá trình học tập đạt hiệu quả.
Thứ hai, hình thức tổ chức dạy học trong phương thức đào tạo tín chỉ qui định hoạt động tự học của sinh viên như là một thành phần bắt buộc trong thời khóa biểu và là nội dung quan trọng đánh giá kết quả học tập. Hoạt động dạy - học theo tín chỉ được tổ chức theo ba hình thức: lên lớp, thực hành và tự học. Trong ba hình thức tổ chức dạy học này, hai hình thức đầu được tổ chức có sự tiếp xúc giữa giảng viên và sinh viên (giảng viên giảng bài, hướng dẫn; sinh viên nghe giảng, thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên). Hình thức thứ ba có thể không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên (giảng viên giao nội dung học tập để sinh viên tự học, tự nghiên cứu, tự thực hành). Ba hình thức tổ chức dạy học tương ứng với ba kiểu giờ tín chỉ: giờ tín chỉ lên lớp, giờ tín chỉ thực hành và giờ tín chỉ tự học. Nếu hoạt động tự học trong dạy học theo niên chế mang tính chất tự nguyện thì phương thứ đào tạo theo học chế tín chỉ coi tự học là một thành phần hợp pháp và bắt buộc phải có trong hoạt động học tập của sinh viên. Để học được 1 giờ lý thuyết hay 2 giờ thực hành trên lớp sinh viên cần phải có 1hay 2 giờ chuẩn bị ở nhà. Đó là yêu cầu bắt buộc trong cơ cấu giờ học của sinh viên.
Thứ ba, nội dung một bài giảng trong hệ thống tín chỉ thường gồm 3 thành phần chính: Phần nội dung bắt buộc phải biết được giảng trực tiếp trên lớp; phần nội dung nên biết có thể không được giảng trực tiếp trên lớp, giảng viên có trách nhiệm hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu ở ngoài lớp; phần nội dung có thể biết dành riêng cho tự học, chuẩn bị bài, làm bài tập, thảo luận nhóm,… và các hoạt động khác liên quan đến môn học. Như vậy, kiến thức của môn học được phát triển thông qua những tìm tòi của người học dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Nếu sinh viên không tự học thì chỉ lĩnh hội được 1/3 khối lượng kiến thức của môn học và như vậy đồng nghĩa với việc sinh viên không đạt được yêu cầu của môn học.
Thứ tư, khác biệt với đào tạo theo niên chế, trong học chế tín chỉ, hoạt động tự học được kiểm tra đánh giá thường xuyên thông qua các bài kiểm tra, bài tập, các buổi thảo luận,… trong suốt quá trình học. Như vậy, điều chúng ta cần khẳng định là trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, hoạt động tự học của sinh viên trở thành hoạt động bắt buộc với các chế tài cụ thể.
2.Một số biện pháp nâng cao hiệu quả tự học của sinh viên trong phương thức đào tạo tín chỉ
Để nâng cao hiệu quả tự học của sinh viên trong phương thức đào tạo tín chỉ, trước hết cần nhận thức đúng về mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa phương pháp giảng dạy và học tập. Sinh viên không biết cách học một phần cũng do cách dạy của giảng viên. Người thầy cần hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu trước cũng như sau giờ giảng. Cốt lõi trong phương thức đào tạo tín chỉ, giảng viên phải thực hiện công việc giảng dạy của mình để gắn kết và thúc đẩy sinh viên tự học, tự nghiên cứu cho tốt. Để thích ứng với phương thức đào tạo và phương pháp dạy học mới, trước tiên đòi hỏi cả thầy và trò phải thực sự bứt phá, có sự thay đổi cả mặt ý thức và hành vi trong thực hiện nhiệm vụ và trọng trách của bản than.
Đối với giảng viên
Giảng viên đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc định hướng và kích thích ý thức tự học của sinh viên cả trong giờ trên lớp và giờ tự học, tự nghiên cứu. Đối với hoạt động tự học của sinh viên, giảng viên phải quan tâm hơn, cần kịp thời tư vấn khi có yêu cầu hợp lý; cần chương trình hóa và có sự chủ động thực hiện một quy trình tương tác hợp lý với sinh viên:
- Thông báo đầy đủ cho sinh viên về đề cương chi tiết môn học: Khi bắt đầu một môn học, giảng viên cần giới thiệu và cung cấp cho sinh viên đề cương củamôn học đó. Nội dung của đề cương bao gồm: Mục đích của môn học, mục tiêu của môn học, nội dung chi tiết của môn học, điều kiện tiên quyết, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học cho từng nội dung của môn học, hình thức kiểm tra đánh giá của từng hoạt động học tập. Đặc biệt, đề cương giới thiệu chi tiết các tài liệu học tập trong đó chỉ rõ giáo trình chính và các tài liệu tham khảo phục vụ chomôn học. Điều đó tạo cho sinh viên sắp xếp thời gian, nội dung học tập của mình, sinh viên chủ động lên kế hoạch tự học, tự nghiên cứu để thực hiện cácmục tiêu củamôn học.
Giảng viên cần phải tuân thủ theo đúng kế hoạch trong đề cương và yêu cầu sinh viên nghiêm túc thực hiện đề cương này. - Hướng dẫn cho sinh viên chuẩn bị bài sắp học: Giảng viên thông báo nội dung vấn đề sẽ được tìm hiểu trong buổi học tới, yêu cầu sinh viên đọc giáo trình, tài liệu tham khảo trên cơ sở các câu hỏi gợi ý của giảng viên. Công việc hướng dẫn sinh viên chuẩn bị bài giữ một vai trò quan trọng trong tự học của sinh viên, giúp họ có kiến thức cơ bản về bài học, đủ tự tin để tham gia giải quyết vấn đề trong bài học cùng với giảng viên và bạn bè trên lớp, đặc biệt là tự xác định được những vấn đề cần tập trung nghe giảng và nêu được những ý kiến thắc mắc nhằm hiểu sâu kiến thức trong bài học.
- Thiết kế giờ dạy để tạo hứng thú cho sinh viên, kích thích tính tích cực hoạt động cùng với giảng viên trong giờ học: Để giờ dạy diễn ra có chất lượng tốt, giảng viên không những cần có kiến thức sâu rộng, làm chủ nội dung yêu cầu của bài, mà còn có sự đầu tư thỏa đáng cho việc thiết kế giờ dạy, nhất là tìm hiểu cách học của sinh viên. Trong bài giảng, giảng viên cần suy nghĩ cách thiết kế phối hợp và vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học nhằm tạo được sự vận động phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên, giúp sinh viên thamgia chiếm lĩnh bài học một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, người dạy cần kết hợp sử dụng linh hoạt nhiều hình thức dạy học: dạy lý thuyết, thực hành, thảo luận, sinh viên thuyết trình,…để việc học của sinh viên không bị nhàm chán, mệt mỏi.
- Hướng dẫn sinh viên làm các bài tập nghiên cứu: Đây là việc nhằm phát huy cao nhất ý thức tự học của sinh viên, đồng thời tạo hứng thú và óc sáng tạo. Công việc này thường được thực hiện trong cả quá trình học. Giảng viên sẽ chọn trong chương trình môn học những nội dung, vấn đề (ngoài những vấn đề đã được thảo luận tại lớp) và chỉ rõ mục đích, yêu cầu, cách thức thực hiện để giao cho sinh viên tự nghiên cứu, tự học.
- Kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học của sinh viên: Giảng viên thường xuyên đánh giá sinh viên trong suốt quá trình của môn học thông qua các hình thức kiểm tra như: bài tập cá nhân, bài tập nhóm, bài tập lớn,… và các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Giảng viên phải khách quan, công khai.
trong đánh giá để sinh viên rút kinh nghiệmtừnhững việc làm được và chưa làm được. Giảng viên cần nhận xét kết quả tự học, tự nghiên cứu của sinh viên (nhóm sinh viên) và công bố điểm số, những ưu và nhược điểm của từng bài, từng nhóm để sinh viên có cơ hội rút kinh nghiệm cho những lần tự học, tự nghiên cứu tiếp sau.
Đối với sinh viên
Sinh viên là chủ thể của hoạt động học tập, là chủ thể có ý thức, chủ động, tích cực, sáng tạo trong nhận thức và rèn luyện nhân cách. Người học muốn phát huy được tính tích cực, sáng tạo của bản thân thì cần xác định được mục đích tự học. Mục đích tự học của sinh viên được biểu hiện cụ thể bằng các nhiệm vụ học tập. Khi sinh viên hoàn thành được các nhiệm vụ tự học của mình thì khi đó họ đã đạt được mục đích tự học. Đồng thời, hoạt động tự học của sinh viên được thúc đẩy bởi hệ thống động cơ học tập nói chung và động cơ tự học nói riêng. Động cơ tự học ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của quá trình tự học. Nó được hình thành trước tiên, xuất phát từ việc sinh viên thỏa mãn nhu cầu trong học tập là hoàn thành các nhiệm vụ học tập bắt buộc họ phải thực hiện trong một thời gian nhất định. Động cơ tự học của sinh viên làm thỏa mãn nhu cầu học tập của họ là tạo được niềmtin ở người thầy, của bạn bè xung quanh và niềm tin vào chính bản thân bằng việc đã hoàn thành nghĩa vụ học tập.
Động cơ tự học của sinh viên nảy sinh từ ý thức trách nhiệm của chính bản thân họ.Trong quá trình tự học, chính nội dung tri thức khoa học làm nảy sinh ở sinh viên sự ham hiểu biết, lòng say mê tìm tòi, khám phá, nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp tương lai của mình. Việc tự học của sinh viên có kết quả sẽ tạo thành động lực cho quá trình học tập tiếp theo. Nói một cách khác, chính việc giải quyết những mâu thuẫn trong quá trình tự học là yếu tố cơ bản để hình thành động cơ học tập của sinh viên. Sinh viên phải hình thành và rèn luyện một số các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu như: kỹ năng tìm tài liệu, thu thập tài liệu theo yêu cầu; kỹ năng lập kế hoạch tự học; kỹ năng tổ chức thực hiện kế hoạch; kỹ năng tự kiểm tra đánh giá;… Các kỹ năng tự học này có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung cho nhau, có ý nghĩa quyết định đến kết quả tự học. Do đó, trong hoạt động tự học sinh viên phải biết vận dụng kết hợp các kỹ năng tự học để tự điều khiển, tác động khi thực hiện hoạt động học tập của mình để đạt được kết quả cao. Cụ thể:
- Kỹ năng lập kế hoạch tự học, gồm: phân tích để xác định mục tiêu tự học, nội dung tự học, sắp xếp thứ tự công việc cần làm, phân bổ thời gian cho từng hành động học tập hợp lý phù hợp với nhiệm vụ học tập.
- Kỹ năng tổ chức thực hiện kế hoạch tự học, gồm: kỹ năng đọc sách, kỹ năng nghiên cứu tài liệu học tập, ghi chép, hệ thống hóa, khái quát hóa tài liệu học tập; kỹ năng làm bài tập…
- Kỹ năng tự kiểm tra đánh giá là kỹ năng xây dựng các độ chuẩn để kiểm tra, thang đánh giá để tự đánh giá hoạt động tự học của bản thân.
Từ đó, sinh viên sẽ chọn cách thức để tự kiểm tra, tự đánh giá như phân tích, đối chiếu,so sánh…Kỹ năng tự kiểm tra, tự đánh giá của sinh viên là kỹ năng không thể thiếu được trong việc thực hiện mục tiêu học tập của bản thân đã đề ra. Nó kịp thời giúp người học phát hiện những sai sót để điều chỉnh hoạt động tự học. Yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công trong tự học là phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Sinh viên biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt các phương pháp tự học sẽ tạo cho họ nhu cầu học hỏi, khơi dậy tiềm năng vốn có của họ, làm cho kết quả học tập được tăng lên, quá trình học tập của trò thích ứng với phương pháp dạy của thầy.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
Công ty Cổ phần đào tạo chuyên sâu và phát triển kỹ năng Hà Nội
TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÕ THUẬT BẢO LONG - TRƯỜNG PHỔ THÔNG LIÊN CẤP BẢO LONG
Địa chỉ: Số 447 đường đê Dương Hà, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội
MST: 0108128132
Hotline: 0796.128.788
Website: Liencapvtbaolong.edu.vn
Mail: kynanghn1501@gmail.com